Bò sát Hệ_động_vật_Việt_Nam

Các loài bò sát của Việt Nam nằm trong 3 bộ: nhóm rắn có nhiều loài (172 loài) và thằn lằn (110 loài) đều nằm trong bộ Squamata và nhóm rùa ít đa dạng hơn (với 34 loài thuộc bộ Testudines) và cá sấu (2 loài thuộc bộ Crocodilia). Số lượng các loài rắn đặc hữu có lẽ cao nhất ở các vùng núi, trong khi đó thằn lằn dường như có nhiều loài đặc hữu ở miền Nam, trong đó có 8 loài ở Côn Đảo ngoài khơi phía Đông Nam của Việt Nam. Số lượng loài rắn và thằn lằn phân bố đều ở các vùng đồng bằng và vùng núi của Việt Nam, trong khi đó rùa nhìn chung là các loài sống ở vùng đồng bằng và số lượng loài cao nhất tập trung trong môi trường sống này cả ở miền Bắc và miền Nam.

Các nhóm bò sát có số lượng loài cao nhất là tắc kè (họ Gekkonidae: 32 loài) và thằn lằn bóng (họ Scincidae: 42 loài), cả hai họ này đều là thằn lằn, và rắn nước (họ Colubridae: 130 loài), là nhóm rắn rất đa dạng. Các nhóm có số lượng loài thấp ở Việt Nam nhưng chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các loài trên toàn cầu gồm có rắn mống (họ Xenopeltidae: cả 02 loài) và thằn lằn giun (họ Dibamidae: với 06 trong tổng số 19 loài). Chi thằn lằn chân ngón cũng là giống có nhiều loài mới được công bố nhất với khoảng hơn 30 loài mới được công bố trong 2 thập kỷ gần đây ở Việt Nam.

Bò sát chiếm một phần đáng kể trong số các loài động vật có xương sống ở Việt Nam mà sự tồn tại của chúng trong tự nhiên bị đe dọa bởi việc khai thác nhằm mục đích buôn bán. IUCN liệt kê hơn 3 phần tư số lượng các loài rùa vào loại bị đe dọa toàn cầu, trong đó có 3 loài đặc hữu:

Thằn lằn

Thằn lằn Việt
Kỳ đà ở rừng ngập mặn Cần Giờ
Thạch sùng, loài bò sát rất phổ biến trong những ngôi nhà ở Việt Nam

Việt Nam là quốc gia đa dạng về các loài thằn lằn trong đó có nhiều loài đặc hữu

Rùa

Rùa biển tại Thủy Cung Đầm SenRùa núi vàng ở Việt NamRùa Đồng Mô, loài rùa phát hiện tại hồ Đồng Mô đang gây xôn xao dư luậnRùa hộp lưng đen ở Việt NamRùa Trung BộRùa hộp trán vàng miền NamMột con rùa tại Hồ Hoàn Kiếm

Tổng cộng có 26 loài lùa cạn ở Việt Nam đã được mô tả cụ thể, trong đó có 01 loài rùa du nhập[35][36]

  • Ba ba gai (Palea steindachneri) có mũi dài, mai có màu nâu đến xám với nhiều nốt sần không đều, yếm gần như trắng toàn bộ (có vài vết mờ hoăc lốm đốm), cá thể non có một viền trắng nhạt màu từ sau mắt đến đầu. Đặc điểm phân biệt rõ ràng với các loài ba ba khác là có các vết gấn da sần ở cổ, rìa trước và trên mai có nhiều nốt sần
  • Ba ba Nam Bộ (Amyda cartilaginea) hay còn gọi là cua đinh có mũi dài, mai màu nâu hoặc xám, khá nhẵn, đầu có các đốm màu vàng, yếm màu trắng, cá thể non có các chấm hoặc đốm màu vàng trên mai. Đặc điểm phân biệt rõ ràng với các loài ba ba khác là có các nốt sần dọc rìa trước của mai, trên lưng thường có những nốt sần tròn. Ba ba Nam Bộ đã được sách đỏ Việt Nam xếp vào loại nguy cấp, đang đứng trước nguy bị tuyệt chủng.
  • Ba ba trơn (Pelodiscus sinensis) có mũi dài, mai và thân màu nâu hoặc xám xanh, cá thể trưởng thành có yếm màu trắng hoặc vàng tươi kèm đốm màu đậm đối xứng, cá thể non có yếm màu cam. Phân biệt với ba ba gai và ba ba Nam bộ ở chỗ không có nếp da gấp ở cổ và nốt sần trên mai.
  • Giải (Pelochelys cantorii) không có mũi dài như ba ba, mặt giống con ếch, mai hình tròn màu nâu, yếm trắng, vùng da quanh cổ kéo dài ra phía sau cùng với phần rìa trước của mai.
  • Giải sin-hoe hay rùa hồ Gươm (Rafetus swinhoei) có mai màu nâu đến xám, mũi ngắn hơn mũi ba ba, đầu và cằm màu vàng với các đốm hoặc vằn màu đậm, ở trên đỉnh có màu tối hơn.
  • Rùa ba gờ (Malayemys subtrijuga) có mai màu sẫm với ba gờ rõ ràng, đầu khá lớn với những sọc trắng quanh mắt, yếm cứng, màu vàng có đốm đen.
  • Rùa bốn mắt (Sacalia quadriocellata) có mai hình ô-van màu xám đậm đến nâu, viền mai nhẵn, đầu có 4 mắt giả, mắt giả của cá thể đực màu xanh nhạt, mắt giả của cá thể cái và con non màu vàng, yếm cá thể cái màu vàng nhạt hoặc kem, yếm cá thể đực màu cam.
  • Rùa câm (Mauremys mutica) có mai màu nâu hoặc nâu gụ, đầu màu nâu xám, hai bên má màu vàng nhạt, trên đầu có hai sọc màu vàng nhạt, yếm màu vàng có các tấm đen ở mỗi tấm yếm.
  • Rùa cổ bự (Siebenrockiella crassicollis) có mai đen tuyền, đầu có một chấm lớn màu trắng nhạt phía sau mắt và một vài chấm mờ khác xung quanh miệng và cằm, yếm màu đen hoặc gần đen toàn bộ với các đốm đâm bao phủ mỗi tấm yếm.
  • Rùa cổ sọc (Mauremys sinensis) có mai màu xanh xám đến đen, đầu và chân trước có nhiều đường sọc mảnh đặc trưng, yếm có màu tối, mỗi tấm yếm có viền nhạt.
  • Rùa đất lớn (Heosemys grandis) có mai màu nâu đen, cá thể trưởng thành thường có một gờ màu vàng nhạt dọc sống lưng trên mai, đầu có những chấm cam và đen, yếm màu vàng, có khi có hình dẻ quạt tỏa ra từ góc tấm yếm.
  • Rùa đất Pulkin (Cyclemys pulchristriata) có mai màu xám đến nâu, rùa trưởng thành có sọc màu vàng nhạt hoặc vàng cam ở đầu và cổ, yếm vàng, có thể có sọc hoặc đốm, cá thể trưởng thành có bản lề trên yếm cho phép chúng đóng một phần cơ thể bên trong mai.
  • Rùa đất Sêpôn (Cyclemys oldhamii) có mai màu xám, nâu tối hoặc đen. Con trưởng thành có sọc màu vàng nhạt hoặc vàng cam ở cổ, yếm màu đen đặc trưng, có bản lề như rùa đất Pulkin.
  • Rùa đất Spengleri, còn gọi là rùa lá, rùa vàng Tam Đảo (Geomyda spengleri) có mai màu cam, nâu xám hoặc nâu nhạt, trên mai có ba gờ cao, viền sau mai có răng cưa, mắt lồi to, con ngươi tròn màu đen, yếm màu đen có hai vạch vàng hai bên.
  • Rùa đầu to (Platysternum megacephalum) có mai màu nâu đen, thuôn dài và dẹt, đầu rất to và không thể thụt vào mai, hàm trên kéo dài thành mỏ, đuôi dài gần bằng chiều dài thân. Con non có màu vàng cam và có sọc vàng nhạt trên đầu.
  • Rùa hộp ba vạch, còn gọi là rùa vàng (Cuora trifasciata) có mai màu nâu đỏ với ba vạch đen trên đỉnh, đỉnh đầu vàng nhạt với các sọc đen hai bên mặt, các chi và da thường có màu cam, tấm bản lề ở yếm cho phép rùa đóng một phần cơ thể bên trong mai.
  • Rùa hộp lưng đen (Cuora amboinensis) có mai hình vòm giống cái mũ bảo hiểm, màu đen, có soc vàng chạy từ mũi đến cổ, các đường sọc từ hàm và mắt ghép lại với nhau phía sau tai trước khi chạy xuống dưới cổ, yếm màu vàng, thường có chấm đen, có tấm bản lề cho phép rùa đóng kín cơ thể bên trong mai.
  • Rùa hộp trán vàng miền Bắc (Cuora galbinifrons) có mai màu vàng gồ cao với các hoa văn đen có hình dạng khác nhau tùy theo cá thể, đầu màu vàng có đốm đen, yếm màu đen có bản lề giúp đóng kín cơ thể trong mai.
  • Rùa hộp trán vàng miền Nam (Cuora picturada) có hình dáng bên ngoài tương tự rùa hộp trán vàng miền Bắc với mai gồ cao, yếm có bản lề. Điểm khác biệt là ở màu sắc mai nhạt hơn, ít hoa văn hơn, yếm vàng có chấm đen.
  • Rùa hộp trán vàng miền Trung (Cuora bourreti) cũng có bản lề ở yếm nhưng mai thuôn dài hơn, ít hoa văn hơn hai loài miền Bắc và miền Trung.
  • Rùa núi viền còn gọi là rùa xe tăng (Manouria impressa) có mai màu vàng nhạt đền nâu hoặc xám với các đường viền giống răng cưa ở viền mai trước và phía sau, các tấm trên mai phẳng hoặc lõm xuống, đầu lớn màu vàng nhạt đến xám đen, chân lớn, có vảy dày, yếm màu vàng, có thể có nhiều vệt đen, hai chân sau có hai cái cựa rất đặc trưng.
  • Rùa núi vàng, còn gọi là rùa đá, rùa gối (Indotestudo elongata) có mai dài gồ cao với màu vàng có đốm đen, đầu màu vàng thẫm, yếm cũng có màu vàng với các đốm đen.
  • Rùa răng (Heosemys annandalii) có mai thuôn dài màu xám đậm đến đen, đầu nhỏ màu vàng nhạt có các đốm đen, hàm có khứa hình răng đặc trưng, yếm đen có dải vàng ở giữa hoặc vàng với vệt đen phía ngoài.
  • Rùa sa nhân (Cuora mouhotii) có mai màu nâu nhạt đến vàng nhạt hoặc xám, dọc mai có ba gờ rõ ràng, đỉnh mai phẳng, thường có màu sáng hơn hai bên, cuối mai có rìa răng cưa, yếm màu vàng có vạch đen ở rìa xen lẫn các vạch tối màu, có tấm bản lề để đóng một phần cơ thể. Mắt rùa sa nhân có màu đỏ.
  • Rùa Trung Bộ (Mauremys annamensis) có mai màu nâu đen hình ô-van, không gồ cao, đầu có hai hoặc ba vạch màu vàng, một vạch đi qua mắt, yếm có những vệt đậm màu đối xứng trên từng tấm yếm và có viền vàng xung quanh.
  • Rùa tai đỏ (Trachemys scripta elegans) không phải rùa bản địa nhưng đã có mặt tại nhiều ao hồ ở Việt Nam. Chúng có mai màu xanh, vàng xám hoặc thẫm tối với nhiều hoa văn, sau hai mắt có vệt đỏ, yếm màu vàng có các đốm tối trên mỗi tấm yếm, cá thể non có màu xanh nhạt. Đây là một trong những loài xâm thực nguy hiểm được đề nghị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam.
  • Rùa Hồ Gươm

Rắn

Rắn lục Vogel tại Vườn Quốc gia Tam ĐảoMột con trănThảo Cầm Viên Sài GònMột con rắn tại Thảo Cầm Viên Sài GònMột con trăn đất vàng tại Thảo Cầm Viên Sài GònMột con rắn hổ mang đang được ngâm rượu ở Việt Nam

Với đặc thù là vùng rừng nhiệt đới, Việt Nam là nơi cư ngụ của gần 200 loài rắn, mỗi loài đều có những đặc tính sinh thái và sắc màu khác nhau nhằm phù hợp với điều kiện và môi trường sống, trong đó có 53 loài rắn độc chủ yếu thuộc hai họ Rắn lụchọ Rắn hổ. Nhiều loài có nọc độc gây chết người chỉ sau thời gian ngắn[37]. Các loài rắn độc thường gặp ở Việt Nam:

  • Rắn lục Von-gen (Viridovipera vogeli): Đỉnh đầu và thân của loài này màu xanh lục, phần bụng màu nhạt hơn. Chúng thường ăn đêm, sống ở trong bụi rậm, lùm cây thấp ở địa hình đồi núi có độ cao từ 900 m đến 1.500 m.
  • Rắn lục đầu bạc (Azemiops feae) có kích cỡ trung bình, đầu hơi dẹp phân biệt rõ với cổ. Chiều dài cơ thể khoảng 80 cm. Chúng sống trên các vùng núi cao lên tới 1.000 m.
  • Rắn lục Trùng Khánh (Protobothrops trungkhanhensis): dài khoảng 70 cm, khá nhỏ so với những loài thuộc chi Protobothrops. Chúng sống ở độ cao 500 – 700 m trong các khu rừng thường xanh và rừng mưa núi đá vôi nhiệt đới.
  • Rắn hổ mang Xiêm (Naja siamensis) hay còn gọi là rắn hổ mang bành, rắn hổ mang chúa. Chúng là loài rắn có nọc độc gây chết người. Nếu bị loài rắn độc này cắn thì chỉ khoảng 30 phút sau sẽ tử vong do chất độc làm suy hô hấp, dẫn đến ngạt thở và làm tê liệt hoạt động của cơ hoành. Rắn hổ mang chúa dẫn đầu bảng danh sách những loài rắn cực độc tại Việt Nam. Một con rắn hổ mang chúa trưởng thành có thể tạo ra 400 mg nọc độc nhưng 1 mg đã có thể giết 160 người.
  • Rắn biển (Hydrophiinae). Chúng thuộc nhóm rắn có nọc độc sinh sống trong môi trường biển. Các loài rắn biển thường có nọc độc mạnh. Tại Việt Nam các loài rắn biển có nhiều tên gọi khác như rắn đẻn, rắn đẻn biển.
  • Rắn cạp nong (Bungarus fasciatus) hay còn gọi là rắn cạp nia hoặc rắn mai gầm thuộc họ Rắn hổ (Elapidae). Đây là một trong những loài rắn cực độc, khi bị chúng cắn, nọc độc có thể giết chết nạn nhân chỉ trong vòng vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời. Rắn cạp nong thường xuất hiện ở khu vực núi Dinh (Đồng Nai). Con mồi và nạn nhân có thể bị chết trong vòng vài phút nếu không được cứu chữa kịp thời bởi nọc độc cực mạnh.
  • Rắn lục đuôi đỏ: xuất hiện khá nhiều ở Việt Nam và gây ra những vụ tấn công đồng loạt trên khắp cả nước năm 2014, gây chấn động và hoang mang đối với dư luận. Loài rắn này mang trong mình lượng nọc độc khá lớn và có khả năng giết người chỉ sau loài hổ mang chúa. Bệnh nhân bị rắn lục đuôi đỏ cắn thường dẫn đến nhiễm trùng, rối loạn đông máu, gây nguy hiểm đến tính mạng.
  • Rắn biển kim hay còn gọi là đẻn biển (đầu nhỏ) có chất độc còn mạnh gấp mấy lần rắn hổ mang. Một giọt nọc độc của loài rắn biển kim này có thể giết chết hàng trăm người.
  • Rắn chàm quạp còn được gọi với cái tên khác là Khô mộc xà, xuất hiện ở khu vực miền Đông Nam bộ và Campuchia. Nọc độc của loài rắn chàm quạp chỉ xếp sau loài rắn biển kim. Điều đó có nghĩa là với một phát cắn của loài rắn này, con mồi có thể chết ngay nếu không được cấp cứu kịp thời.
  • Rắn hổ mèo được mệnh danh là rắn hổ mang Đông Dương với khả năng phun độc cực xa trong cự li từ 1,5m đến 2m. Một phát cắn của loài rắn này có thể giết chết một người đàn ông vạm vỡ. Và, nếu nọc độc của loài rắn này bắn vào mắt thì có thể gây mù vĩnh viễn.
  • Rắn hổ bướm còn được xem là độc xà thứ ba của Việt Nam, loài này chỉ sống trên khu vực vùng núi Trường Sơn. Loài rắn này to gần bằng một con trăn nhưng rất nhanh nhẹn và mang trên mình khoảng 200cc nọc độc.
  • Rắn hổ đất ở ấp Sơn An, xã Nam Thái, huyện Hòn Đất, Kiên Giang nặng 4,5 kg, được cho là lớn nhất từ trước tới nay ở vùng này.

Các loài rắn có kích thước lớn ở Việt Nam

  • Trăn đất (Python molurus) có đầu dài, nhỏ, màu nâu xá là loài lớn nhất về kích thước, cân nặng trong các loài rắn tìm thấy ở Việt Nam. Một số cá thể phát hiện ở Vườn quốc gia U Minh đạt đến độ dài khoảng 8 m (kích thước trung bình khoảng từ 4 m đến 6 m) và nặng hơn 120 kg.
  • Trăn cộc (Python brongersmai): Là một loài rắn cỡ lớn. Trong số ba loài trăn thuộc chi Python phân bố ở Việt Nam thì trăn cộc Python brongersmai là loài có kích thước nhỏ nhất và cũng là loài hiếm nhất. Chiều dài cơ thể của Python brongersmai đạt tới 2 m.
  • Trăn gấm (Python reticulatus) là loài mãng xà cỡ lớn trong các loài rắn, có thể dài từ 6 m đến 7 m. Con non mới nở dài khoảng từ 60 cm đến 75 cm[38].

Một số loài rắn thường được nuôi nhiều ở Việt Nam:

  • Rắn ri voi hay rắn ri tượng: Rắn lứa đẻ theo rắn lứa từ 7- 10 con. Rắn nuôi được 1- 2 năm trở lên thì đẻ bình quân 25 con và tăng lên vào những năm sau[39][40]
  • Rắn ri cá: Là loại dễ nuôi, nhẹ công chăm sóc, kháng bệnh tốt.
  • Rắn hổ mang (phì đen): Thức ăn chủ yếu là chuột và cóc. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, hơn hẳn so với chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác. Rắn nuôi khoảng 2 – 3 kg thì xuất bán, với trọng lượng lên tới 3, 4 kg có thể bán[41][42]
  • Rắn hổ hèo: Rắn cái thường có mình thon dần từ đầu đến đuôi, trong khi con đực có phần đuôi to hơn so với con cái, xã Thoại Giang thuộc huyện Thoại Sơn là khu vực nuôi rắn hổ hèo nhiều nhất tỉnh An Giang. Trước đây, thị trường tiêu thụ mạnh nên giá thu mua luôn ở mức cao, lượng rắn nuôi trong dân quá nhiều, không những trong xã này mà cả tỉnh An Giang và nhiều tỉnh miền Tây, nơi đâu cũng nuôi rắn[43].
  • Trăn (chủ yế là trăn đất Python molurus): Nuôi trăn dễ, hao hụt ít, giá bán cao, có thể kiếm chuột cho trăn ăn[44]
  • Rắn chúa săn chuột là loài bò sát sinh trưởng tự nhiên ở vùng Đông Á và Đông Nam Á. Vũ khí đáng sợ của chúng là khả năng bóp siết làm con mồi chết ngạt, tương tự như các loài trăn. Chúng còn có tên gọi là rắn hôi Đài Loan vì một tuyến sau hậu môn rất phát triển, phát tỏa ra mùi khó chịu khi bị quấy rối[45].
  • Rắn mống: Chỉ có hai loài thuộc họ Xenopeltidae và cả hai loài này đều phân bố tại Việt Nam:
  • Rắn rầm ri có 02 loài rắn rầm ri có phân bố ở các vùng ven biển và đồng bằng ở miền Trung và Nam Việt Nam.
    • Rắn rầm ri hạt (Acrochordus granulatus) chủ yếu sống ở biển, mặc dù chúng có thể chịu được nhiều loại độ mặn khác nhau, bao gồm cả nước ngọt.
    • Rắn rầm ri cóc (Acrochordus javanicus) phân bố ở các phá, suối và các vực nước cố định khác. Chúng có khả năng chịu nước mặn thấp hơn, mặc dù chúng có thể chịu được nước lợ và thậm chí ra tận biển.

Một số loài Rắn mới được phát hiện:

  • Rắn khiếm Cát Tiên (Oligodon cattienensis): ở khu vực rừng Nam Cát Tiên trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Loài rắn này có màu sắc khá đẹp với thân màu xám hoặc nâu, có một hàng đốm sáng màu chạy dọc sống lưng xen kẽ với các sọc ngang sẫm màu.
  • Rắn lục đầu bạc Kharin (Azemiops kharini) Đây là loài rắn lục đầu bạc thứ hai thuộc giống Azemiops và là loài rắn độc thứ 60 trong tổng số hơn 210 loài rắn được ghi nhận ở Việt Nam. Do có màu sắc đẹp nên loài Rắn lục đầu bạc là đối tượng bị săn bắt để nuôi làm cảnh ở nhiều nước trên thế giới mặc dù đây là loài rắn có nọc độc, tại Cao Bằng, Lạng Sơn và Vĩnh Phúc, ở độ cao từ 800 đến 1800 m.
  • Rắn khiếm Na-gao: khu vực núi đá vôi ở khu vực huyện Hạ Lang, tỉnh Cao Bằng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Hệ_động_vật_Việt_Nam http://www.doisongphapluat.com/can-biet/giao-duc-h... http://www.triciaswaterdragon.com/vietnam.htm http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/3-mon-... http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/4-mon-... http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/chong-... http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/oc-vu-... http://ngoisao.net/tin-tuc/thu-gian/an-choi/so-co-... http://www.bannhanong.vietnetnam.net/home.php?cat_... http://vncreatures.net/all_events/new_60.php http://vncreatures.net/kqtracuu.php?ID=2006&tenloa...